Lòng dũng cảm

Ngày 25/5, Aleksandr Kosolapov, cảnh sát vùng Nam Sibia của Nga trên đường tuần tra đã cứu sống 300 học sinh đi nghỉ hè. Chỉ trong giây lát, nhận ra một chiếc xe hơi đi ngược chiều với tốc độ cao có thể đâm vào đoàn xe của các em, anh cảnh sát này đã quyết định lao xe của mình vào làm lá chắn.

Kết quả anh cứu được 300 em bé thoát khỏi tai nạn chết người. Và như một phép màu, người cảnh sát này sống sót trong khi chiếc xe của anh hư hại hoàn toàn.

 
Sự quên mình của Aleksandr Kosolapov khiến cho bất cứ ai biết đến câu chuyện này đều có thể rơi lệ. Và khi tôi kể lại cho con, tôi biết rằng, nó là câu chuyện khiến con tôi lập tức hiểu được thế nào là lòng dũng cảm mà không cần lên lớp dông dài. Bởi đó là cách một con người trong giây phút ngắn ngủi dám hy sinh đời mình vì mạng sống của hàng trăm người khác.

Đó là lòng dũng cảm được hiểu như khả năng dám tiếp cận với hiểm nguy và thử thách, bỏ qua sợ hãi hay tính toán riêng tư vì lợi lạc của tha nhân. Một lòng dũng cảm với sự can đảm và điềm tĩnh, hướng thượng. Và trong cuộc trò chuyện với con trai của mình, tôi muốn con phân biệt được nó khác hẳn với sự liều lĩnh hay khả năng mạo hiểm vì những chuyện không đâu dễ nảy sinh ở tuổi trẻ. Chẳng hạn như để thể hiện bản thân, để thể hiện mình với bạn bè, để khiến cho một cô gái để ý, để chơi trội… Hoặc giả là lòng dũng cảm được hiểu sai có thể khiến cho các cháu gặp tai nạn và tự gây thương tích, thậm chí tự tử khi chấp nhận các hành động thách đố lẫn nhau.

Nhưng cũng vì vậy, tôi thật sự bất ngờ khi biết rằng sách dạy Kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 của NXB Giáo dục gần đây có bài học dạy trẻ dũng cảm bằng cách đi chân trần trên mảnh thủy tinh. Đành rằng với một số người trưởng thành khi học kỹ năng sống (theo một vài trường phái có ảnh hưởng của yoga) có thể thực hành bài tập này. Song ngay cả với những người lớn, bài tập này vẫn có thể gây thương tích nếu bất cẩn. Còn với những em nhỏ lớp một, cách này có thể rất nguy hiểm. Hơn nữa, vì còn non nớt, trẻ có thể định hình hiểu biết sai lầm khi cho rằng lòng dũng cảm phải gắn với một hành động mạo hiểm và liều lĩnh.

Cứ cho rằng, thày cô đã chọn lọc các mảnh thủy tinh khó gây tai nạn cho bé trên lớp để chứng minh rằng các cháu có thể đi trên miếng thủy tinh “tỉnh bơ”. Nhưng nếu làm như vậy thì chính là lừa dối trẻ. Bởi trẻ nào có hiểu điều đó. Nếu các cháu về nhà tự thực hành với mảnh chai vỡ hay các ống bơm tiêm vứt lỏng chỏng nơi bến xe bus hay bãi rác thì sự thể thế nào?

Điều đáng nói là nếu biết thày cô sẽ dạy con mình lòng dũng cảm bằng cách cho các cháu lớp một đi chân không lên mảnh thủy tinh, liệu có bao nhiêu người trong số phụ huynh sẽ can đảm nói “đồng ý”, nhất là trong bối cảnh các dụng cụ học đường ở Việt Nam rất sơ sài và hầu như  không được kiểm soát an toàn đầy đủ. Trong khi đó, với một lớp học chỉ một cô giáo quần cả ngày với 30-50 học sinh nghịch ngợm chạy nhảy, ai dám đảm bảo rằng tuyệt đối không có tai nạn nào xảy ra? Nhiều cha mẹ đều nhớ rõ những vụ việc đau lòng xảy ra gần đây khi thày cô của một trường học tại Bình Dương cho các cháu đi nghỉ hè. Kết quả đã có 7 học sinh cấp 2 tử vong ngay trên bãi biển Cần Giờ vì tự ý bơi ra chỗ nguy hiểm mà không người trông nom.

Là một người mẹ, tôi tin rằng, lòng dũng cảm của con mình không đến từ chuyện làm xiếc “biểu diễn” đi chân trần trên thủy tinh. Lòng dũng cảm và những tính tốt của con tôi cần được rèn luyện hàng ngày, ngay trong những điều rất nhỏ bé. Ví như dũng cảm nói thật về điểm xấu, nói thật về những gì lỗi lầm của bản thân, dám làm lại từ đầu nếu thất bại, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu, giúp đỡ người cô thế, dám hy sinh bản thân vì lợi ích của tha nhân… Đó là những gì ông bà, cha mẹ và chúng tôi vẫn được truyền dạy nhiều năm qua. Và tôi tin đó mới chính những kỹ năng thực sự quý báu cho cuộc sống.

Nguyễn Anh Thi

Theo http://vnexpress.net/