Nói đến Hội An là người ta liên tưởng đến Chùa Cầu, đến đêm hội đèn lồng phố cổ, dịch vụ may comple sáng đo chiều lấy, kiến trúc phố Tàu, phố Nhật, phố Pháp… Thú vị nhất là rất nhiều người Nhật Bản bị Hội An lôi cuốn và họ có nhiều thiện cảm nơi này. Có lẽ do xa xưa duyên cớ sinh thành phố Hội đã ghi dấu chân các thương nhân Nhật Bản đến tận giờ.
Ngôi nhà Nhật Bản trên đất cổ Hội An
|
Bà Usuda Reiko chủ quán “Hội An U café“ |
Bà Usuda ReiKo, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật - Việt TP Kawasaki đã xây một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Hoài, cách phố cổ Hội An 1km xuôi về Cửa Đại. Ngôi nhà mở cửa đón khách tới chơi và thưởng thức đồ uống trong Quán café “Hội An U café”- mong ước nơi đây có thể chia sẻ với trẻ em nghèo khu vực miền Trung được đào tạo và được học nghề, học ngôn ngữ. Bà còn hi vọng quán café của mình sẽ là nơi gặp gỡ các nhà quốc tế ngữ khắp nơi đến thăm Hội An.
Hội An không chỉ kiến trúc cổ đẹp mà nhiều ngôi nhà mới xây cũng khá đẹp. Nhà của bà ReiKo quy mô khiêm tốn, tường xây gạch trần, cầu thang gỗ, các cửa sổ cửa đi chớp lật làm theo mẫu từ Nhật Bản. Đáng chú ý nhất là hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải. Toàn bộ nước thải sinh hoạt và vệ sinh thu vào bể chứa đặt tưới tầng 1. Do Hội An có mùa lũ, nhà lại ở ven sông nên toàn bộ bể xây nổi trên mặt đất, cao hơn 2m so với nền nhà. Bể chứa có diện tích 15m2, ngăn thành 7 bể lọc xử lý. Nước thải xử lý xong được bơm ngược lên mái và cấp vào các bể cá, thả sen nước trên mái tầng 2, tầng 3.
|
Hồ sen và bể cá được sử dụng bằng nguồn nước thải đã được xử lý |
Ngôi nhà nhỏ bên sông Hoài – Bể nước tái sử dụng nước thải để nuôi cá và trồng hoa sen. Bể xử lý nước thải nổi trên mặt đất và nước thải đã xử lý đổ vào bể cá trên sàn tầng 2,3.
|
Toàn bộ nước thải sinh hoạt, vệ sinh thu vào bể chứa đặt tưới tầng 1 và được tái sử dụng theo 1 vòng khép kín |
Phác thảo đầu tiên của ngôi nhà là mái nhà là bể nước lớn, đón nước mưa xuống để sử dụng sau đó xử lý lại tái sử dụng... một vòng tròn khép kín. Ngôi nhà trong phố, mở vòi là nước máy sẵn sàng. Nhà lại nằm cạnh sông, cống nước thải trước cửa, vậy tại sao phải chắt chiu từng giọt nước đến vậy ? Bạn muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì đây?
Người Nhật là như vậy. Họ đã cố gắng suy nghĩ cẩn trọng nhất, làm việc chăm chỉ nhất và tiêu dùng ít nhất những gì mà thiên nhiên trời đất ban tặng, dù ở Nhật Bản hay Việt Nam. Tâm thế ấy giúp họ vững trãi, điềm tĩnh đứng lên từ tro tàn của chiến tranh, động đất, sóng thần mà xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng trong sự ngưỡng mộ của cả loài người.
Những bãi biển đằng sau tường rào
Con đường 20 km từ Đà Nẵng về Hội An rất đẹp, xe bon gần 100km /giờ. Cảnh tượng đầu tiên bạn thấy mé bờ biển là các khu nghỉ mát nối tiếp nhau. Có khu nhà cao tầng lững lững trông ra biển, có những biệt thự thấp tầng nhấp nhô mái đỏ lấp ló sau những hàng cây, thảm cỏ xanh mướt. Có những khu resort sang trọng khuất sau hàng dừa xen lẫn khu giải trí rực sáng hàng đêm… Nhưng nhiều hơn cả là những dãy tường rào dài hàng cây số nối tiếp nhau.
Những bức tường rào xây kín mít và không biết đằng sau nó sẽ xây dựng gì. Nhưng có những bức tường dài hàng cây số, làm bằng vải bạt, trên đó in hình phối cảnh khu nhà ở ven biển lộng lẫy, mẫu căn hộ sang trọng nằm kề hồ bơi thật hấp dẫn, số điện thoại liên hệ gấp nếu bạn có nhu cầu mua nhà… Có dự án khéo léo trồng hàng cây hoa um tùm, thảm cỏ xanh mướt nơi sát mặt đường, còn đằng sau là tấm tôn cao che kín bãi cát trống trơn, chỉ có vài khóm dứa dại chạy ra sát biển.
Nhiều dự án BĐS khai thác bãi cát ven biển hụt hơi, bỏ dở... cây cối chặt hạ trơ cát. Bãi biển phải kè đá, bao tải cát nhưng bãi cát phẳng đã thành bậc thang và sạt lở nhanh.
Đập vào mắt là những dự án hoang phế đã lâu năm rồi, tường trống hoác, mái gió thổi bay vạt ngói, có chỗ chưa lợp mái… tình thế thật tiến thoái lưỡng nan. Bãi biển mấy năm nay lở dữ, có nơi nước đã lấn vào cả chục mét. Hỏi ra mới hay bãi xưa có hàng phi lao chắn cát, gió biển thổi vào cát bay bị chặn lại, lá phi lao rụng xuống tạo lớp mùn giữ nước, cát chặt hơn, bờ cát cứ thoai thoai thoải vậy nên sốn đánh vô lại trào nước ra. Nay chặt phi lao xây nhà, cát rời không gì chặn, sóng đánh ào ào lở bờ dốc đứng. Có khu resort nhà xây sát biển đã phải đổ đá kè, khu khác thì đổ cát vào bao tải chắn sóng…Vậy mà có khu xây cái nhà mẫu, chưa kịp mời khách tới xem, sóng đã đánh úp ngửa, lôi tuột xuống biển.
Ngày 18/8/2011, tại Đà Nẵng tổ chức Hội đồng Kiến trúc sư châu Á lần thứ 32, có Diễn đàn với chủ đề “Đô thị châu Á thế kỷ 21”. Đoàn KTS Nhật Bản có bài phát biểu “Đô thị với thảm họa”. Sau đó họ đến nhà bà ReiKo ở Hôi An và trò chuyện với KTS Việt Nam về những kế hoạch giảm khói xe trong phố cổ, làm nhà vệ sinh công cộng cho du khách, tận dụng vật liệu địa phương để làm nhà cho người nghèo...
Hy vọng là sau cuộc gặp gỡ, các KTS ta trước khi đặt bút vẽ một ngôi nhà, cả thành phố, một xóm nhỏ bình dân hay khu nghỉ dưỡng xa hoa... sẽ bình tâm suy nghĩ cho thật thấu đáo, cân nhắc, thận trọng hơn. Bởi lẽ dẫu có rừng vàng bao la, biển bạc mênh mông mà suy tính hời hợt, tiêu dùng hoang phí thì chẳng mấy nỗi đất nước tan hoang, quê hương cạn kiệt…
Thảm họa ấy là có thật. Nó không rơi từ trên trời xuống đâu, nó cũnǵ không ập đến chốc lát mà gậm nhấm từng ngày, từng giờ vì sự cẩu thả và vô tâm của chính chúng ta.
|