Quy tắc 30/30/3 khi mua nhà mùa dịch

Covid-19 khiến giá bất động sản và lãi suất cho vay tại nhiều nước giảm mạnh, nhưng nó không đồng nghĩa bạn nên mua nhà ngay bây giờ.

Rất nhiều người mua nhà đã khốn khổ trong khủng hoảng tài chính 2008. Để giúp người mua bớt áp lực, triệu phú tự thân Sam Dogen đã chia sẻ trên CNBC về quy tắc 30/30/3.

Lý tưởng nhất là thực hiện theo cả ba quy tắc này. Nhưng nếu không thể, bạn cũng nên tuân thủ ít nhất một trong ba.

Quy tắc 1: Chi không quá 30% thu nhập cho tiền trả góp hàng tháng
Một phụ nữ cầm tờ quảng cáo bán nhà tại California (Mỹ). Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia thường chọn 30% là mốc lý tưởng. Tuy nhiên, khi lãi suất cho vay thế chấp giảm, rất nhiều người cho rằng có thể đẩy tỷ lệ này vượt quá một chút. Việc này rất rủi ro nếu bạn phá vỡ quy tắc để mua căn nhà đắt đỏ hơn. Khi đó, bạn sẽ chẳng còn mấy tiền để chi tiêu.

Quy tắc 2: Chuẩn bị trước khoản tiết kiệm bằng ít nhất 30% giá trị căn nhà

Trước khi mua nhà, hãy đảm bảo bạn có ít nhất 30% giá trị căn nhà, bằng tiền mặt hoặc tài sản rủi ro thấp. Trong đó, số tiền tương đương 20% căn nhà sẽ dùng để trả trước, còn 10% để làm dự trữ tiền mặt.

Con số này nghe có vẻ lớn, đặc biệt khi có rất nhiều chương trình cho phép bạn trả trước số tiền nhỏ hơn. Tuy nhiên, trong thời kỳ bất ổn cao như hiện tại, tốt nhất là nên có bộ đệm tài chính lớn hơn.

Những người mua nhà chịu tác động đầu tiên trong cuộc suy thoái trước là những người có khoản trả trước chỉ ở mức tối thiểu. Vì thế, nếu bạn lên kế hoạch mua nhà trong vòng 6 tháng tới, hãy chuẩn bị ít nhất 20% tiền trả trước bằng tiền mặt. Đừng đầu tư số tiền đó vào cổ phiếu hoặc tài sản rủi ro cao nếu thời gian mua nhà của bạn quá ngắn.

Quy tắc 3: Giá trị căn nhà không nên lớn hơn 3 lần thu nhập hàng năm của bạn

Đây là cách nhanh chóng để tìm nhà trong khả năng. Nếu bạn kiếm được 100.000 USD một năm, bạn có thể thoải mái chi trả cho căn nhà 300.000 USD. Hoặc nếu bạn nằm trong top 1% hộ gia đình tại Mỹ có thu nhập 500.000 USD, bạn có thể mua căn tới 1,5 triệu USD.

Khi lãi suất cho vay thế chấp đang giảm mạnh, bạn có thể nới con số này một chút, lên gấp 5 thu nhập hàng năm. Nhưng hãy nhớ rằng, điều này không chỉ đồng nghĩa khối nợ bạn phải gánh lớn hơn, mà thuế bất động sản và chi phí bảo dưỡng cũng cao hơn nữa.

Điều kiện để lách quy tắc

Nếu bạn muốn phá vỡ các quy tắc trên, ít nhất hãy cân nhắc các cách sau:

- Cho thuê một căn phòng hoặc một phần ngôi nhà

- Tìm việc làm thêm

- Lên kế hoạch tăng lương hoặc tìm việc mới với lương cao hơn

- Có thu nhập thụ động để trả tiền nhà

Dù việc đầu tư bất động sản rất có lợi, tốt nhất là bạn đừng bao giờ khiến tài chính của mình căng như dây đàn. Hãy nhớ, ngoài tiền trả góp, bạn còn phải trả nhiều chi phí khác như bảo hiểm, thuế và bảo dưỡng nhà.

Hãy mua nhà vì phong cách sống của mình trước. Nếu giá tăng, đó là điều tuyệt vời. Còn nếu không, đó cũng không phải vấn đề to tát vì bạn đã có rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời với căn nhà suốt những năm qua.

Hà Thu (theo CNBC)

Xe ô tô "mẹ bồng con" giá rẻ giật mình, chỉ 90 triệu đồng/chiếc

Dân trí - Chuyện thật như đùa này được chia sẻ công khai trên mạng xã hội, nhiều nhóm buôn xe chào bán giá rẻ chỉ bằng 20 - 30% giá trị thực, giấy tờ được làm giả tinh vi tới mức khó có thể nhận biết.

Trong vai người đi mua xe, chúng tôi tìm kiếm trên mạng xã hội với từ khoá “xe Ngân - Lào - Campuchia” và thấy không khó để thấy các hội nhóm kinh doanh mặt hàng này.


Tại đây, số lượng thành viên chỉ khoảng vài nghìn người, ít hơn nhiều so với các hội chơi xe hay mua bán xe khác. Bởi không phải ai cũng nắm được thông tin về những chiếc xe này.

Giải nghĩa cụm từ “xe Ngân - Lào - Campuchia”, một người buôn xe cho biết, xe Ngân có nghĩa là xe vay tiền ngân hàng để mua, giấy tờ gốc đang được ngân hàng giữ. Đây là tài sản dùng để thế chấp ngân hàng, nhưng chủ tài sản lại mang đi bán hoặc cầm cố.


“Khách mua xe Ngân sẽ phải là một loại giấy tờ giả để thông hành. Rủi ro lớn nhất của loại xe này là, nếu gặp phải tai nạn nghiệm trọng thì dễ bị thu mất xe. Còn lại thì vẫn lưu thông bình thường trên đường” - người buôn xe cho hay.


Theo người buôn xe này, xe Lào - Campuchia theo dân buôn này có nghĩa là xe gốc Lào - Campuchia nhưng đã được làm biển và giấy tờ theo kiểu “mẹ bồng con” (MBC). Gọi như vậy, vì giấy tờ con xe này nhưng lại dùng cho xe khác.

“Thậm chí, xe có thể đục số khung, số máy mới theo giấy tờ để qua mặt cơ quan quản lý” - người bán nói.

Tuy nhiên, lượng xe Lào - Campuchia hiện nay không nhiều bằng xe Ngân, bởi trên các hội nhóm việc giao dịch xe Ngân đang diễn ra rất sôi động.

Những chiếc xe Vios đời 2014 vừa làm giả đăng kiểm xong chỉ có giá khoảng 145 triệu đồng, hay một chiếc Mazda đời cũ cũng chỉ khoảng 90 triệu đồng.

Nếu thích đi xe đời mới, thì Mazda 3 hay Civic sản xuất năm 2017 cũng chỉ có giá 200 - 300 triệu đồng.


Từ xe “cỏ” cho tới những chiếc xe sang cũng đều được rao bán trên các hội nhóm như vậy. Một chiếc Mercedes C250 AMG đời mới cũng chỉ có giá khoảng hơn 500 triệu đồng.

Việc giao dịch diễn ra sôi động không chỉ ở Hà Nội mà còn ở TP. HCM hay Bình Dương mà còn nhiều tỉnh thành khác. Toàn bộ giấy tờ lưu thông của xe đều được người bán hoặc dân chuyên làm được, loại giấy này hay gọi là MBC.

Theo giải thích của dân buôn, xe giấy MBC là loại xe mà giấy tờ hồ sơ gốc chính chủ, nhưng lại có rất nhiều xe có cùng chung một bộ hồ sơ này.

Việc làm giấy tờ xe này sẽ theo dạng, chủ một chiếc xe có giấy tờ đầy đủ, sẽ làm giấy mất đăng ký xe để xin cấp phó bản mới. Sau đó, họ mua một chiếc cùng kiểu rồi làm lại biển số.

Những chiếc xe có giấy MBC kiểu này khi gây ra tai nạn sẽ bị giám định số khung và số máy. Nếu bị phát hiện, người làm giả có thể bị phạt nặng.

Liên hệ với một dân chuyên làm giấy tờ xe giả, người này cho biết, giá làm cả đăng ký xe lẫn đăng kiểm là 5 triệu đồng. Nếu làm riêng, giá đăng kiểm khoảng 3 triệu đồng, còn giấy tờ xe 2 triệu đồng.

Người mua sẽ nhận được 2 tem và 1 giấy đăng kiểm, cùng giấy tờ xe. Khách có thể nhận hàng ở bất kỳ đâu, phía người bán sẽ ship code cả nước, sau khi kiểm tra thì mới trả tiền.

Việc mua bán hiện nay đều công khai trên các trang mạng xã hội. Hàng ngày, những chiếc xe Ngân, xe Lào - Campuchia vẫn lăn bánh trên đường mà không ai hay biết. Thậm chí, trong các hội nhóm còn công khai chia sẻ đã đi kiểu xe này nhiều năm nay.

Thế Hưng

GÁNH NẶNG SÁCH VỞ ĐẦU NĂM BAO GIỜ MỚI DỨT?

GDVN- Giá sách giáo khoa mới cao gần gấp 4 lần sách giáo khoa cũ, kèm theo đó là hàng loạt các loại sách bổ trợ, sách bài tập, sách Tiếng Anh đi kèm...

Năm học 2020-2021 chỉ mới là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 nhưng đã dấy lên nỗi lo ngại về chuyện giá sách giáo khoa.

Giá sách giáo khoa mới cao gần gấp 4 lần sách giáo khoa cũ, kèm theo đó là hàng loạt các loại sách bổ trợ, sách bài tập, sách Tiếng Anh đi kèm.

Dù biết, đời sống của một bộ phận người dân hiện nay đã được cải thiện nhưng vẫn còn một bộ phận khá lớn người dân đang còn nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo…với biết bao nỗi khó khăn thường trực.

Nhưng, chỉ một bộ sách học lớp 1 cho con đã có trường thông báo giá lên cả gần 1 triệu đồng thì làm sao tránh được nỗi lo lắng khi con em mình bước vào năm học mới.



Loạn giá sách đầu năm học

Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà các Nhà xuất bản đã được Bộ Giáo dục phê duyệt để đưa vào giảng dạy trong năm 2020-2021 thì bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm 9 cuốn có giá thấp nhất cũng lên tới 186.000 đồng.

Bộ sách lớp 1 có giá cao nhất là bộ sách Cánh Diều, sách gồm 9 cuốn có giá 199.000 đồng.

Mặc dù sách giáo khoa mới đã cao hơn rất nhiều giá sách giáo khoa cũ nhưng nếu so với các loại sách bổ trợ, bài tập, tiếng Anh đi kèm thì nó vẫn còn rất thấp.

Bởi nhìn vào bảng giá một số địa phương thông báo, có nơi thì 566.000 đồng, thậm chí như có trường ở Thành phố Hồ Chí Minh lên đến 807.000 đồng thì rõ ràng việc mua một bộ sách lớp 1 đã thực sự là một áp lực rất lớn cho phụ huynh học sinh.

Sau khi báo chí lên tiếng, ngày 4/9/2020 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 3401/BGDĐT-GDTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.

Tại Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, thực hiện nghiêm túc một số nội dung.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã dược quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo .

Trong đó quy định rõ, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Tuy nhiên, có lẽ công văn số 3401/BGDĐT-GDTH đã ban hành quá trễ vì ngày 4/9 thì về cơ bản các trường đã hoàn thiện việc bán sách lớp 1 cho học sinh rồi. Vì khi học sinh vào nhập học thì việc bán các loại đồng phục, sách vở đã được nhà trường triển khai.

Trước đó, ngày 10/6/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các sở giáo dục và đào tạo; các nhà xuất bản có sách giáo khoa lớp 1 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng.

Tại công văn số 3401/BGDĐT-GDTH của Bộ có nhắc đến Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng suốt 10 năm qua thì sự việc như thế nào chắc Bộ cũng đã biết.

Bộ cấm thì cứ cấm nhưng vì sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (trước đây) và các Công ty phát hành sách vẫn tiếp cận để đưa sách tham khảo vào nhà trường thì phụ huynh…không biết.

Chỉ biết, rất nhiều các loại sách, thậm chí cả sách giáo khoa Tiếng Anh, Tin học, Mĩ thuật…ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở cũng đưa vào các nhà trường từ lâu với giá cao hơn rất nhiều sách giáo khoa năm 2000.

Thế nên không phải không có lý khi dư luận đặt câu hỏi, Công văn 3401/BGDĐT-GDTH chỉ nhằm xoa dịu truyền thông, chứ không có tác dụng nào trong việc ngăn chặn bán kèm tài liệu, dụng cụ theo sách giáo khoa mà nhiều thứ không dùng đến, gây lãng phí không nhỏ cho dân.

Có điều các loại sách này đa phần đều là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà đơn vị này là đơn vị trực thuộc của…Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sách giáo khoa vẫn là nỗi lo cho các năm tiếp theo

Chương trình, sách giáo khoa mới được bắt đầu thực hiện ở lớp 1 từ năm học 2020-2021 và sẽ cuốn chiếu xong ở 3 cấp học vào năm học 2024-2015.

Có nghĩa là từ này đến năm 2024 thì tỉ lệ học sinh học sách của chương trình giáo dục phổ thông mới ngày càng nhiều hơn.

Nếu lấy con số học sinh khai giảng năm nay là gần 23 triệu, trừ đi số học sinh Mầm non cũng còn gần 20 triệu học sinh phổ thông thì khi thực hiện xong chương trình, sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12, mỗi năm xã hội sẽ đầu tư vào việc mua sách học phổ thông sẽ là rất lớn.

Không chỉ học sinh mua sách học với giá quá cao mà giáo viên cũng phải mua với giá cao không kém. Theo thông báo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì sách giáo viên lớp 1 năm nay cũng có giá từ 390.000 đồng đến 448.000 đồng.

Vì thế, học sinh lớp 1 năm nay và các lớp tiếp theo trong những năm tới đây không khỏi không lo lắng. Bởi, cứ đà này thì gánh nặng sẽ tiếp tục đè oằn vai phụ huynh học sinh trong mỗi năm học.

Trong khi, mỗi năm học thì đâu chỉ có chuyện sách giáo khoa, đâu chỉ chuyện sách bổ trợ cho học tập mà có biết bao nhiêu khoản nhà trường yêu cầu thu, còn phụ huynh thì phải đóng góp.

NGUYỄN CAO