Bữa cơm 5.000 và những giọt nước mắt

Những ngày qua, dư luận bất ngờ về bữa cơm của những người tâm thần và neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An. Nhưng câu chuyện ấy lại khiến tôi suy ngẫm theo một hướng khác.


Bữa cơm 5.000 và những giọt nước mắt
Bữa cơm của những người tâm thần và người già neo đơn ở trung tâm. Ảnh: facebook.
Những suất cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng của các nhóm từ thiện dành cho sinh viên, người nghèo hay những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống đã không còn xa lạ với người dân ở mọi miền đất nước. Thế nhưng không hiểu sao, khi nhìn bức ảnh này tôi lại chợt thấy chạnh lòng.
Không chỉ mình tôi mà dám chắc rằng bất kỳ ai khi nhìn thấy những bức ảnh hay clip cảm động cũng đều cảm thấy rưng rưng nghẹn ngào như vậy.

Đúng là với tình hình kinh tế hiện nay, chỉ với 5.000 đồng thì khó có thể có được một bữa ăn có nhiều thức ăn chứ đừng nói đủ chất. Vì vậy, những cán bộ ở trung tâm đã phải rất cố gắng để nấu những bữa “cơm có thịt”. Việc số tiền trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội bị muộn 8 tháng (như báo chí đưa tin) chẳng phải chuyện nhỏ, chỉ là chưa ai quan tâm và biết đến thôi.

Thế nhưng, điều khiến tôi xúc động hơn cả là cụm từ “người già cô đơn”. Tôi chú ý là bởi ngày lễ Vu Lan đang đến rất gần rồi.

Hàng ngày, trên báo chí, những thông tin về ngày lễ này cùng những bài viết về đức tính hiếu thảo, tình mẫu tử, hạnh phúc gia đình vẫn tràn ngập như để tôn vinh những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng ấy. Nhưng mặt trái của nó, thật tiếc lại là những câu chuyện buồn.

Các vụ án hay sự việc về những “đứa con trời đánh” vẫn không ngừng xuất hiện giữa cuộc sống bộn bề này. Ta chỉ kịp lướt qua để biết rồi chép miệng: “loại con mất dạy”, “bất hiếu”, “nghịch tử”,… nhưng dù là gì thì nó cũng vẫn cứ tồn tại quanh ta đó thôi.

Khi xếp những bộ quần áo chúng sinh cúng rằm tháng 7, tôi chợt nhớ mẹ đã từng nói với tôi rằng còn nhiều “vong” cô đơn, lang thang đầu đường xó chợ cần những thứ đồ này lắm. Tôi thì nghĩ không chỉ những người đã mất mà ngay cả những người còn sống cũng còn nhiều mảnh đời bất hạnh, cần được sự quan tâm, chăm sóc không ở đâu xa mà ngay chính từ những đứa con thân yêu của họ thôi. Nhưng e cũng khó…

Cha mẹ sẽ già đi. Liệu ta còn được gặp người bao nhiêu lần nữa?

Với người già, việc ăn bát cơm 5.000 đồng hay 500.000 đồng có lẽ cũng như nhau cả. Nhưng sẽ ngon hơn nếu được ăn bên con cháu sum vầy. Những hình ảnh chưa thể lột tả hết ánh mắt xa xăm, tiếng thở dài não nề và những nỗi niềm chôn giấu của họ. Phải đến tận nơi, tiếp xúc và trò chuyện mới phần nào hiểu hơn về hoàn cảnh và ước mong của những "người cô đơn" trong xã hội này. Và câu nói rơm rớm nước mắt của một cụ vẫn đeo đuổi tôi đến tận bây giờ là: "Chỉ mong chúng nó thành đạt và con chúng nó ngoan ngoãn, học giỏi là mãn nguyện rồi", dù rằng hiếm khi "chúng nó" đến thăm cụ. Giá mà "chúng" hiếu thảo nữa thì có lẽ niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.

Tình cảm không phải là cứ đến ngày lễ nọ tết kia mới mua đồ “kỷ niệm” mà là ở tâm mỗi người, mỗi ngày trôi qua ta sống ra sao, đối xử với người thân thế nào. Tất nhiên ngày lễ tết là dịp ý nghĩa, quan trọng. Nhưng nếu lãng quên những tâm niệm sống, chỉ chờ đến ngày đó mới thể hiện thì liệu tình cảm đó có quá “ngắn ngủi, hình thức”?

Ai cũng đã từng (ít nhất một lần) làm cha mẹ buồn lòng, rồi sẽ được tha thứ, quan trọng là ta có tâm hay không. Nhưng nỡ để cha mẹ mình sống “neo đơn” với những hạn chế tối đa trong sinh hoạt, những nỗi buồn cuộc sống và gia đình, với sự tủi thân và bệnh tật tuổi già cùng nỗi nhớ con cháu mong được nhìn thấy chúng trưởng thành, hạnh phúc liệu có thể gọi là “nhẫn tâm”?

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh nhưng chắc chắn một điều, đằng sau những bát cơm ấy chứa đựng quá nhiều đau đớn về thể xác và đau khổ tinh thần, những nỗi đau và giọt nước mắt lăn dài sẽ theo họ mãi đến cuối đời mà có thể không chia sẻ được với ai.

Dù ai có viện cớ hoàn cảnh nghèo khổ đến đâu, thì chỉ cần được ở bên cha mẹ lâu thật lâu thôi cũng đã may mắn hơn biết bao người trên đời này rồi.

Người già thường nói nhiều, họ muốn chia sẻ với con cháu nhiều chuyện, những người có cha mẹ già đã quá hiểu, chấp nhận và dần quen với điều này cốt làm vui lòng cha mẹ. Nhưng những hình ảnh người cô đơn lủi thủi một mình, ngóng con cháu đến thăm hàng ngày khiến bất kỳ ai chứng kiến không khỏi cảm thấy nghẹn lòng.

Vậy nên những ai còn có thể cài trên mình bông hoa đỏ trong ngày lễ Vu Lan, hãy sống cho xứng với niềm hạnh phúc ấy, đừng để đến khi hoa thành màu trắng thì những giọt nước mắt rơi liệu có còn ý nghĩa?

Thu Thảo