Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng Huế thành đô thị di sản
- thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh
quan, thân thiện với môi trường và mở rộng đô thị Huế gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thông qua Đề án Xây dựng,
phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND tỉnh, Huế hiện là đô thị di sản, cảnh quan thiên
nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, quy mô đô thị Huế nhỏ so với
tốc độ phát triển, mật độ dân số cao (5.029 người/km2, trong khi quy định là
2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật
chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc
mở rộng đô thị.
Theo đề án mới được thông qua, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm
TP. Huế hiện hữu (70,67km2) và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, một phần huyện
Phú Vang với diện tích khoảng 348,54km2 (rộng gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu).
Tỉnh cũng chủ trương xây dựng Huế trở thành đô thị di sản -
thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh
quan, thân thiện với môi trường, xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế
chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước.
Đồng thời phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng
xanh. Trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; ngành công nghiệp sẽ
tạo bước đột phá phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng phát triển ngành công
nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển
nông nghiệp sạch, bền vững ứng dụng công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh tập
trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế
nhanh và bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng
nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng
xanh và kinh tế tri thức. Xây dựng đô thị thông minh, phục hồi, tôn tạo, bảo vệ,
phát huy di sản cố đô Huế và xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác bảo vệ
tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển mạnh các thành phần kinh tế.
Quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để
tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong các ngành
kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.