Lặng

Cha mày có “bồ” kìa, coi mà giữ ổng nhen mậy.

Bà Tư nói với tôi như vậy, khi tôi vừa dựng xe xuống để mua mớ rau về nấu canh chua. Tôi ngạc nhiên, bà Tư nói gì kì vậy chớ?

Cả xóm này đều biết mấy tuần nay ổng đi ra phía bến đò của cô Sáu hết á, có mình mày là hổng biết đó thôi.

Tôi cười, thôi đi bà Tư, cha con sao vậy được.

Không tin mày cứ để ý mà coi.

Tôi về, lòng cười thầm về cái tin mà xóm tôi vừa đồn thổi đó.



Cha tôi đã gần 80, không hẳn là yếu lắm, nhưng đi đâu cũng cần cây gậy. Từ đây lên tới bến đò, người bình thường cũng phải đi hết chừng 10 phút, cha tôi thì chắc phải hơn. Mà già yếu, lên đó làm gì? Ve vãn cô Sáu chắc? Tôi bật cười.

Tôi về, câu con cá dưới ao lên để nấu canh chua. Cha tôi đang lủi thủi quét bàn thờ mẹ. Hơn 20 năm trời, cha chưa bao giờ quên việc đó lúc chập tối: thay nước cúng, thắp nhang, quét bàn thờ. Mẹ tôi nghiêm nghị, cái nhìn như xoáy sâu vào tâm can của người đối diện. Tôi sợ mẹ nhất, tiếp đó là anh hai, còn cha thì cười khà khà như bạn. Từ ngày cha nghỉ hưu, anh hai lên thành phố đi học rồi đi làm, một mình tôi chăm sóc cha. Lúc cha còn minh mẫn khỏe mạnh thì chơi cờ với cha, giờ thì hết rồi. Tôi cũng chuyển qua dạy buổi chiều nên cũng không có nhiều thời gian, khi về nhà cứ nói vu vơ vài câu với cha cho đỡ buồn.

Tôi làm con cá. Cha đang thay nước cúng.

Hổm rày cha có qua cô Bảy không? Nghe nói thằng Tín nó về đó, nó nhắc ba hoài, bữa nó qua nhà mà không gặp cha.

Con cá này dám kí lô quá cha…

Cha chẳng nói gì, cứ làm những công việc như thường lệ. Dạo gần đây, cha yếu hơn, lẩn thẩn hơn rồi. Tôi buồn. Tôi mất mẹ từ năm lên 10, có mỗi cha là bạn thâm căn chí cố, anh hai thì chỉ lo học, lo làm biết gì đến việc nhà mà nói.

Tôi vẫn đi dạy đều đều. Đám trò ở đây đứa nào cũng nheo nhóc, buổi đi học, buổi phụ cha mẹ bắt cá chăn trâu. 

Hàng xóm cứ thấy tôi là lại xì xào chuyện cha tôi có “bồ”, tôi cũng đâm nóng gáy. Nhưng tôi không thèm cãi, vì thực tình mà nói, tôi cũng có biết gì đâu.


Thứ năm, thanh tra trên huyện về, họp công đoàn, cả trường được nghỉ. Lấy lý do phải chăm sóc cha, tôi thoát khỏi đám tiệc tùng linh đình đinh tai nhức óc và về nhà. Cha đã tự tắm rửa sạch sẽ, đang đứng trước gương chải chuốt, mặc bộ bà bà bóng mà tôi mua bữa tết, rồi cha chống gậy đi.

Cha đi đâu đó?

Chẳng trả lời, cha tôi bước ra khỏi cửa. Tôi phì cười. Chắc hàng xóm thấy cha vậy nên đồn cha có “bồ”. Tôi lại lúi húi nấu cơm để còn tranh thủ soạn giáo án.

Trường sắp vào đợt nghỉ hè nên cũng nhàn, chỉ dạy cho đám trò mấy thứ cơ bản cho ôn lại để vào năm sau cho đỡ mất kiến thức. Tôi cũng về sớm hơn. Và việc cứ hai ba ngày lại thấy cha chải chuốt đi đâu đó làm tôi chột dạ. Hay người ta đồn là thiệt? Tôi cũng chẳng biết phải làm gì, vì tính tôi không thích tò mò theo dõi cha tôi đi đâu với ai cả. Cha cũng còn biết, có gì cha nói, lén lút khác nào nghi ngờ cả cha mình?

Anh hai về. Thu xếp giấy tờ bán đất để tháng sau cả nhà tôi dọn lên thành phố. Tôi không biết có nên nói cho anh nghe về việc hàng xóm đồn đại về cha hay không, vì anh khó tính, thích giữ thể diện gia đình. Anh về để đi lên xã để lo giấy tờ chuyển nhượng.

Anh! Người ta đồn cha mình có bồ!

Lấy hết can đảm, tôi nói với anh hai khi anh đang đọc báo. Trái với vẻ mặt giận dữ tôi tưởng tượng là một thái độ thản nhiên.

Mày để ý làm gì, mình còn ở đây mấy bữa nữa đâu.

Rồi anh quăng sang bàn tôi tờ báo có bài viết về chuyện tình của một cụ già với một chàng trai trẻ ở Sa Pa.

Thời buổi này chẳng còn gì là lạ, đâu có luật pháp nào cấm già không được quyền yêu.

Rồi anh sang bàn uống trà, để mặc tôi ngẩn ngơ ra đó.

Mày nữa. Dẹp cái mớ giáo án cũ rích đó đi, tao xin cho mày vào một trường tư trên đó rồi. Lương cũng khá. Cha với mày lên ở khu chung cư gần chỗ vợ chồng tao, có gì tao qua lại cho tiện. À, tao mướn người giúp việc luôn rồi.

Mướn chi không biết, việc nhà, tôi tự lo được cơ mà.

Mày đi dạy cả ngày, người ta trả tiền cho mày để mày dạy con người ta cả ngày chớ không phải để mày dạy một buổi một buổi về làm việc nhà và nấu nướng như đàn bà. Cha để người giúp việc chăm là được rồi.

Tôi bức xúc. Tôi không biết anh được đi du học, được học cao đến đâu, nhưng chắc chắn rằng chẳng có nền văn hóa nào dạy rằng đàn ông không được làm việc nhà và nhất là chăm sóc cha mình. À, còn mộ của mẹ, đi rồi ai lo?

Tao kêu người rồi, trước ngày mình đi, người ta đến hốt cốt mẹ. Đem lên đó gửi vào chùa cho tiện.

Ngay cả chuyện này anh hai cũng đã tính. Tôi thở dài. Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ có mấy việc: nghe lời mẹ, chăm sóc cha và tuân theo mọi sự sắp xếp của anh hai. Tôi chẳng ý kiến gì được nữa.

Anh hai quanh quẩn ở nhà, than trời than đất, làng xóm gì mà chán ngắt, chẳng có bar cho anh tụ tập bạn bè, chẳng có café wifi cho anh ngồi mát mẻ lướt internet, chẳng có các cửa hàng thức ăn nhanh để anh ăn khi đói.

Tôi thở dài, anh hai bị phố thị nó cướp mất rồi, đâu còn là anh hai của tôi ngày xưa.

Ba ngày sau, anh hai đi. Tôi cũng được nghỉ hè. Giờ thì tôi chẳng biết làm gì hơn là chăm cái mảnh vườn nhỏ để có rau ăn và chăm sóc cha mình. Cha tôi vẫn chải chuốt mỗi tuần vài lần và lụm cụm chống gậy đi, dáng vẻ ngày càng yếu.

Lần đó, tôi đánh liều theo cha. Bước chân cha thong thả đi về phía bến đò. Cô Sáu cũng đã gần 50, còn khỏe. Từ hồi tôi còn nhỏ cô đã chèo đó rồi. Cô Sáu phải đỡ cha lên đò. Nhìn hai người tôi chẳng thấy có gì là tình tứ hết. Vậy mà người ta đồn tùm lum. Khi cô Sáu quay trở lại, tôi nhờ cô chở tôi tới nơi cha tôi tới. Cô Sáu tươi cười.

Cha đi lên khu nghĩa trang. Tôi nối gót. Cha dừng lại trước ngôi mộ ngổn ngang cỏ dại, một bên đã được dọn bớt. Rồi, cha ngồi xuống, vừa thủ thỉ nói chuyện, vừa nhổ từng cây cỏ. Bàn tay cha yếu ớt, nhăn nheo. Từng cọng cỏ được nhổ lên, có cây cứng hay dai quá cha chỉ bứt được cái đầu.

Sắp tới tôi biểu tụi nhỏ chưng mắm cho bà, mấy năm trời rồi tụi nó cho bà ăn thịt không, ngán lắm rồi há? Bà cũng bỏ qua, tụi nó đứa nào cũng lo làm ăn, quên luôn bà thích ăn cái gì rồi…

Cha cứ vừa nhổ cỏ vừa thủ thỉ. Nước mắt tôi ứa ra hồi nào không hay. Ra vậy. Tụi tôi cứ mải mê làm những thứ gì đâu á, quên mất rằng mình còn người mẹ đang nằm cô quạnh ngoài này. Nhắc mới nhớ, tháng tới là giỗ mẹ, hèn gì cứ quỡn là cha lại ra đây nhổ cỏ, lau chùi ngôi mộ. Tôi trở về, dặn cô Sáu đừng nói gì với cha tôi.

Tôi cũng cảm ơn cô Sáu, cô cũng chịu điều tiếng với cha tôi mà cô chẳng than oán lấy nữa câu.

Tội nghiệp ổng. Tụi bay cứ lo làm, có ngó ngàng gì tới ổng đâu.

Tôi trầm ngâm.

Mấy người tới coi phần đất và nhà của tôi mà anh hai đã làm giấy tờ bán. Nghe đâu tính đập nhà này đi xây nhà mới, nhà tôi cũ lắm rồi. Tôi thoáng buồn. Hơn 30 năm sống ở đây, giờ thấy nó bị phá đi, chạnh lòng sao đó.

Những tháng ngày bình yên của tôi rồi cũng sẽ không còn, thành phố ồn ào và nhộn nhịp, biết đâu lại cuốn tôi vào vòng xoáy đó mà quên đi cha mình, quên đi nguồn gốc tổ tiên của mình?

Giỗ mẹ, tôi làm mấy món mà cha nói là mẹ thích. Toàn mắm cá, canh chua, cá kho, điên điển. Giờ điên điển kiếm cũng khó, tôi đi dọc bờ kinh mà chẳng thấy đâu, ra chợ mới thấy được vài bó. Mắm giờ cũng toàn bán cho mấy khách xa về, nên mùi vị ngon ngày xưa cũng chẳng còn thắm đượm.

Cha tôi bịnh. Nằm liệt giường. Anh tôi bận nên chưa về được, một mình tôi chạy tới chạy lui. Bác sỹ nói cha tôi yếu lắm rồi, nên chuẩn bị. Tôi hiểu. Và tôi hoảng sợ. Sợ không còn người gợi cho tôi nhớ về mẹ, sợ không còn người ở đó cho tôi nói vu vơ khi nấu cơm chiều. Sợ chẳng còn ai bên tôi nữa, bỏ tôi bơ vơ…

Cha đòi ôm ảnh mẹ, tôi đành kiếm tấm hình đẹp nhất của mẹ đưa cho cha. Cha mỉm cười, nụ cười nhăn nheo và rạng rỡ.

Tới ngày thứ 4, anh hai về, chị bận nên chưa thu xếp về được. Cha nhìn anh hai, nước mắt lưng tròng, rồi lấy hết sức thì thào rằng cha muốn nằm cạnh mẹ. Anh hai nhăn mặt, miễn cưỡng gật đầu.

Cha tôi mất hai ngày sau đó. Chị hai cũng đã về kịp đưa tang. Tôi không khóc, nhưng nước mắt cứ ứa ra, còn anh hai thì lầm lũi đi bên cạnh, tay cầm di ảnh của cha. Cha nằm cạnh mẹ, như ý nguyện. Lúc đào huyệt tôi mới để ý thấy rằng phần cỏ được dọn sạch vừa với huyệt đang đào. Cha ơi? Cha đã biết trước mọi thứ? Cha ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự để đi gặp mẹ và để dọn chỗ cho chính mình? Dĩ nhiên, anh hai tôi không biết, chắc anh nghĩ rằng là tôi đã nhổ sạch đám cỏ ở mộ mẹ, tiện tay nhổ luôn đám cỏ kế bên cho thoáng.

Vài mâm cơm đãi khách xong, anh chị hai lại chuẫn bị trở lại thành phố.

Mày làm hồ sơ tao đưa rồi gửi cho tao liền nghen, chậm chân mất việc như chơi, tao may mắn quen được con trai ông này nên mới xin việc cho mày dễ đó, mày không nhanh người ta nhảy vô liền.

Tôi bần thần. Có cái gì đó trong tôi như vỡ òa ra, đập vào đâu đó trong kí ức. Anh chị đi rồi, còn một mình tôi trong căn nhà cô quạnh, nhang khói cho cha mẹ. Tôi quyết định rồi, tôi không đi đâu nữa, tôi sẽ ở đây an phận với việc dạy đám trò nghèo, có rau ăn rau, có con cá ăn con cá. Lên thành phố, giữa dòng đời tấp nập đua chen đó, làm sao tôi dám chắc rằng mình còn giữ được cái thuần khiết của người miền quê mà mình vốn có? Tôi sẽ quên hết cội nguồn, quên hết cha mẹ, tổ tiên thì sao?

Chiều đó, tôi ra bến đò, đem theo vài con cá khô, bình rượu. Cô Sáu đưa tôi qua sông, lên nghĩa trang. Tôi nhìn hai tấm bia nằm cạnh nhau, một bên là cha tôi, một bên là mẹ tôi. Bất giác, tôi buồn. Cái buồn não nề khôn tả. Không biết trên kia, cha mẹ có tha thứ cho đứa con bất hiếu, để cha mình tự dọn chỗ chôn mình hay không nữa? Có giận anh em tôi vì nỡ bỏ tổ tiên dòng họ lại đây không nữa? Đời người thoáng qua, biết đâu được là chốn bình yên để sống cuộc đời thanh thản? Như cha, thầm lặng một đời, chẳng phiền muộn và lo toan, sống với những gì mình có và hài lòng với nó.

Tôi về lại nhà. Lấy vali ra, mắc lại quần áo vào tủ.

Sáng mai, tôi sẽ đến trường để đăng kí dạy hè.


- Sưu tầm -