Ròng
rã rồi cũng đến ngày ra trường, thế nào mới gọi là xã hội, vậy thì nó là đây, đọc
lại những dòng này tôi thật thấy thật xấu hổ, tôi nhìn nó, thấy nó, đi theo guồng
quay của nó rồi thành một phần của nó.
***
Hồi
học đại học, tôi có học lớp giáo sư Lan. Bà ấy rất nghiêm khắc lại ngặt nghèo
nên sinh viên nào cũng ghét. Nói chung chuyện người học ghét người dạy là rất
thường chứ người dạy ghét người học thì hiếm. Hầu như thầy cô đều nói một câu
thế này "Bây giờ các em ghét tôi nhưng sau này ra đời các em sẽ cám ơn
tôi" nhưng theo tôi thấy chẳng có đứa nào quay lại để cám ơn bà ấy cả. Ra
trường, tất bật đi xin việc, tất bật lo lấy lòng người này người kia, tất bật
lo đạp đổ đứa này leo lên đầu đứa kia, riết rồi cũng chẳng nhớ mình là ai huống
gì còn thời gian nghĩ tới bà ấy.

Hồi
học đại học, tôi có học chung với nhỏ kia tên Châu, nó người dân tộc, da đen nhẻm,
tóc khô queo, mặt đờ câm, ai nói gì cũng ừ hoặc lắc, nói thôi để tui tập trung
nghe giảng, đến đặt áo lớp hay chụp hình tốt nghiệp nhỏ cũng không ý kiến, ai
biểu nộp tiền thì đưa, hoạt động đoàn thể gì cũng tìm cách trốn tránh nói tui mắc
học rùi, đến cái cổ áo đi học cũng vò không sạch, nói chung dưới con mắt của một
thằng con trai yêu cái đẹp thì rất phản cảm. Bù lại nó học rất giỏi, cực kỳ giỏi,
cuối năm bằng khen ôm một xấp, hất mặt bước qua mấy đứa ăn mặc sành điệu thường
đem nó ra mua vui cho giờ học bớt căng thẳng.
Hồi
học đại học tôi có quen với một thằng kia, nó tên Tuấn. Hai đứa chơi cũng thân.
Tính thằng này cũng thuộc dạng kỳ quái. Bạn bè nó rất đông, đi đâu cũng thấy nó
là cây chủ trò, tụi bạn nói, Tuấn ơi, nhất mày rồi đấy con ạ, không ai bằng mày
nữa đâu. Nghe vậy khoái lắm, cũng chính nó bày trò chọc ngoáy con Châu, vốn
không có ác ý, chỉ là được tung hô quá đâm ra suy nghĩ ấu trĩ vậy, à, cười vui
chút đỉnh vậy thôi mà, không ngờ những đứa khác hưởng ứng quá, bày trò ác liệt
hơn, thấy vậy nó cũng áy náy mà gặp cái con Châu này cứ dửng dưng như không thì
chậc lưỡi, thôi kệ, chắc cũng không sao.
Một
ngày nọ, nó nói, tao cô đơn quá, tôi hỏi sao cô đơn, tính ra những đứa tao chơi
chung chẳng có đứa nào hiểu tao, tôi nói sống trên đời kiếm người lắng nghe
mình đã khó kiếm người nghe rồi hiểu mình còn khó hơn, nó nói ủa zậy hả, nhưng
mày tao thấy trên tivi, trên báo cứ giở ra đọc là thấy nghệ sĩ này ca sĩ kia viết
tâm thư, tâm sự, tâm tình, búa xua cả, mấy người đó có nhiều người lắng nghe vậy
hả, ừa thì họ là người nổi tiếng, còn mày là thằng ruồi bu chân đất mắt toét lấy
gì so sánh với họ, nó lắc đầu, mấy thằng bạn tao đi chung chưa chắc thằng nào
chịu ngồi nghe tao tâm trạng, họ lại đi nói với những người họ chẳng biết là
ai, ở đâu, con ông bà nào, ngồi trước nhà vừa nhai cơm vừa mắng con mà họ gọi
là công chúng, công chúng chỉ thưởng thức tài năng của họ, chứ không biết họ là
ai, cũng chẳng quan tâm con người thật của họ như thế nào, họ cũng chỉ dám
khoác áo khi đứng trên sân khấu, về nhà thì phải cởi ra, ai hơi đâu ngồi trên
truyền hình cười suốt 10 tiếng.
Tôi
hỏi, mày nói với tao mấy chuyện này để làm gì, nó bảo tao lỡ làm con nhỏ có
thai rồi mày ạ, tôi sửng sốt con nào, là nhỏ Châu. Nghe mà bủn rủn tay
chân.
Thằng
nhỏ kể, mày nghĩ đi, tao xinh trai như vầy, ăn mặc mô đen như vầy, còn nhỏ như
vầy, như vầy sao mà xứng được cơ chứ. Bữa đó, tao uống xỉn ở trong quán, buồn đời
rớt mất hai môn, chẳng đi với đứa nào vì xấu hổ, trùng hợp thay nó làm thêm ở
quán đó, tao nghĩ con nhỏ này lạ, nó mà cũng chịu mất thì giờ làm cái gì đó
ngoài chuyện học, thậm chí tao tưởng tượng đến đi vệ sinh chắc nó cũng cầm theo
cuốn sách, nhưng nghĩ kĩ thì cũng vì cái cuộc đời này quá rác rưởi mà thôi. Sẵn
trong người có chút hơi men tao lại gần bắt chuyện với nó, ban đầu nó chẳng đếm
xỉa gì tới tao, thế là tao vừa uống rượu vừa lè nhè tán nó. Đến sáng hôm sau dậy,
tao ở trong phòng trọ của nó, còn nó nằm bên cạnh, ngáy như sấm. Tao chẳng nhớ
chuyện gì cả, chỉ biết là cảm giác lúc ấy nó rất kinh khủng. Tao trốn nó như trốn
nợ, mà nợ thật, hên sao nó cũng không có vẻ muốn nói chuyện với tao, lên lớp vẫn
chăm chú nghe giảng, mắt nhìn thẳng chỉ đảo qua đảo lại trong 1 góc 30 độ.
Bẵng
đi ba tháng, mấy hôm trước nó đến bảo tôi có thai rồi, anh liệu tính gì thì
tính, tao sợ quá, bão cấp 6, mới rụt rè hỏi, thế có phá được không, nó bảo lớn
quá, bác sĩ không cho phá, tao giật lên cấp 12 rồi, sao giờ này mới nói, cô là
con gái ngay từ khi tắt kinh phải biết chứ, sao mấy cái này ngờ nghệch quá vậy.
Nhỏ cho tao bạt tai, òa lên khóc rồi chạy đi, tao cũng chẳng đuổi theo vì sốc
quá, cứ đứng trơ ra ở đó, suy nghĩ đầu tiên của tao là sợ bị mọi người biết,
mày mà lại với con Châu, thể nào nó chẳng ù òa lên là bị hại, còn tao là thằng
vô lương tâm bắt nó đi phá.
Thế
rồi tao đi hỏi mấy thằng thân nhất, chỉ nói tao lỡ làm một đứa mang bầu rồi mày
ạ, chưa nói con nào, tụi nó nói mày nói với tao làm gì còn không mau dẫn nó đi
phá hay mày cứ chổi đây đẩy không phải mày làm là xong, con nào dám sinh con mà
không có bố chứ, tao bảo vậy tụi mày cho tao mượn ít tiền lo cho nó, mười thằng
thì cả mười viện cớ không có tiền, tao nói tao không quỵt của mày đâu mà sợ,
sau này tao sẽ trả. Tụi nó nói tao đâu có sợ mày không có tiền trả cho tao, chỉ
là tao không có tiền lực bất tòng tâm thôi mày ạ, hay là mày mượn đỡ thằng A,
thằng B, con C, con Z gì đó đi, tao thấy nó vừa sắm xe mới chắc có tiền. Đến lượt
thằng A, thằng B, con C, con Z: "À, thì đúng là tao sắm xe mới nhưng tao
tiêu vào đó hết cả rồi làm gì có đâu cho mày mượn, tao còn đang định mượn lại
mày nè". Tao nói à, vậy hả, thôi mày không có thì tao về, tụi mày không có
thì tao về, sau bữa đó không có đứa nào dám nhìn thẳng vào mắt tao nữa, tụi nó
cũng không hay bắt chuyện với tao như trước, cũng không còn nói, Tuấn ơi nhất
mày rồi đấy con ạ.
Tôi
khuyên nó, mày nên có trách nhiệm với con Châu, mày đừng để con mày ra đời
không có bố, đừng để Châu nó phải chịu sự ghẻ lạnh của người đời, nếu sau này
nó may mắn tìm được thằng hiểu chuyện thì không sao, nhưng nếu không mày đã làm
tan nát cuộc đời của hai con người rồi, dù sao lấy người mình lỡ dại vẫn dễ hơn
là lấy người lỡ dại với thằng khác. Chuyện yêu đương nó có quan trọng thế
không, thì cũng chỉ là cùng sống chung dưới một mái nhà, ngủ chung một giường,
nuôi chung một đứa trẻ, sau này thấy không hợp nhau vẫn có thể chia tay nhưng
lúc này nó cần mày, Tuấn ạ, dẫu nó có kinh khủng như thế nào nó cũng chỉ là một
đứa con gái, hơn nữa nó chịu để mày rờ tay lên người nó thì chắc cũng có tình cảm
với mày. Mày là thằng đàn ông thì nên chịu trách nhiệm với những gì đã làm. Nó
cúi mặt không đáp.
Một
tháng sau tin thằng Tuấn cưới con Châu, một con nhỏ người dân tộc xấu đui xấu đớn
được truyền đi nhanh như diều gặp gió, mấy đứa đưa tin là những đứa nó chơi
thân. Thằng Tuấn bỏ học đi làm thợ hồ, con Châu bảo lưu kết quả, nghỉ một năm ở
nhà sinh con, năm sau lại thấy vác cặp đến trường, mặt vẫn hếch lên, mắt nhìn
thẳng, chỉ đảo qua đảo lại trong 1 góc 30 độ. Mặc mọi điều tiếng nó vẫn bình
thường như thể chuyện này chẳng liên quan gì đến nó cả. Thằng Tuấn thì xấu hổ
chẳng bao giờ dám đến đón vợ nó tan học.
Ròng
rã rồi cũng đến ngày ra trường, thế nào mới gọi là xã hội, vậy thì nó là đây, đọc
lại những dòng này tôi thật thấy thật xấu hổ, tôi nhìn nó, thấy nó, đi theo guồng
quay của nó rồi thành một phần của nó.
Mười
năm sau gặp lại, nhân họp lớp, hai vợ chồng thằng Tuấn đều đến, ai cũng ngạc
nhiên, vì vợ chồng nó chưa từng tham gia buổi họp lớp nào trước đó, Tuấn mập
ra, hói đầu bụng phệ dù chỉ mới trạc ngoài 30, các cô ai cũng chậc lưỡi tiếc rẻ,
ôi anh Tuấn ngày xưa đẹp trai thế, Tuấn lắc đầu ăn nhậu riết nó thành như thế,
làm xây dựng mà không ăn nhậu thì đâu có được, phải chịu thôi. Vợ nó, tức cái
Châu thì ngược lại, trắng trẻo, nõn nà hẳn ra, ôi là mắt là mũi cứ gọi là tươi
mơn mởn, mấy ông ngạc nhiên hỏi phải cái Châu đây không, mày chăm vợ mày cái kiểu
gì thế Tuấn, bày cho tao với về chăm con vợ già ở nhà. Tuấn càng được dịp tự đắc,
Châu thì vẫn hếch cái mặt lên như ngày xưa, 100% là tự nhiên đấy các ông các bà
ạ, không dao kéo thẩm mỹ gì hết đâu nhé. Ôi, thế là giàu, có tiền rồi à, một
ông hỏi. Châu mỉm cười, khoe, không giấu gì các anh các chị, ông Tuấn lên chủ
thầu xây dựng được hai năm rồi, em thì có một cơ sở kinh doanh nho nhỏ, gọi là
cũng có chút dư dả.
Tuấn
hỏi tôi, ông giờ làm gì. Tôi đáp, viết báo. Tuấn hỏi tiếp, mảng gì, kinh tế à,
tôi lắc, chính trị à, tôi lắc, à hay mấy cái phóng sự nóng phanh phui một vụ
mua bán dâm xuyên quốc gia ? Tôi đáp lắt nhắt, à thì cũng có, chút đỉnh. Tuấn
cười lớn, ông giỏi quá, làm tôi nể rồi đấy, chắc cực lắm ông nhỉ, thời gian chờ
đợi này, tiếp cận này, phục kích này rồi phải viết sao cho hay cho thuyết phục
người ta nữa. Tôi đỏ mặt, người ta không quan tâm cái đó ông ạ. Sao cơ? Tuấn
ngơ ngác. Trong đường dây đó có một cô là ca sĩ nổi tiếng, thế là tôi phải đến
căn hộ nơi cô đó sống chụp lại, hỏi hàng xóm xung quanh về cô ấy, cảm nghĩ của
họ, thêm muối dậm ớt, chờ chực bất cứ khi nào cô ta hoặc người nhà cô ta xuất
hiện, rồi bung ra hàng loạt nghi án, giả định, lục lại quá khứ cô ta từng ăn
chơi trác táng trước đây... công chúng quan tâm cái đó thôi. Báo chí cũng là một
nghề, mà đã là nghề thì phải hái ra tiền, người ta muốn đọc cái gì thì mình viết
cái đó. Tuấn nói vậy hả, rồi bỏ đi, ánh mắt nó nhìn tôi cũng khác, hôm đó tôi bỏ
về sớm.
Nhưng
tôi không về thẳng nhà mà đến nhà cô giáo của tôi, giáo sư Lan. Bà ấy không nhận
ra tôi là ai nhưng vẫn mời vào nhà tiếp chuyện. Hồi nãy đi vội quá tôi quên mất
phải mua quà biếu nên ngồi xuống ghế mà cứ sượng sượng sao, thấy mình vô duyên
tợn.
-
Hồi trước em có học lớp cô.
-
Khóa mấy nhỉ, tôi nhìn em quen lắm nhưng không nhớ ra.
-
Em khóa 33. Cách nay cũng hơn mười năm rồi ạ. Cô vẫn khỏe chứ ạ?
-
Tôi vẫn khỏe, có điều già rồi, trời trở gió là xương khớp đau nhức, có khi ngồi
cả ngày chỉ để bóp dầu.
-
Cô còn đi dạy không ạ?
-
Tôi về hưu năm ngoái... Có việc gì mà em lại đến đây?
-
Em chỉ muốn xác nhận một điều thôi.
Cô
nhìn tôi, chờ đợi.
-
Sao hồi đó cô không dễ dãi với sinh viên một tí để tụi nó đỡ oán cô, thật sự rất
nhiều người thi rớt môn cô, có phải họ không chịu học hành đâu nhưng đôi khi chỉ
sít sao một chút mà cô cũng không vớt, có người ra trường đi làm 2 năm 3 năm rồi
mà vẫn còn nợ bằng. Cô hay nói sau này ra trường rồi các em sẽ cám ơn cô, tại
sao vậy ạ?
-
Hôm nay có lẽ là một ngày rất tệ với em nhỉ? - cô mỉm cười, nhấp một ngụm trà -
em biết chuyện những con chim trong lồng không?
-
Những con chim thì liên quan gì ở đây ạ? Em không muốn bài học triết lý nào nữa,
cuộc đời này đã quá mệt mỏi rồi, em cũng ngoài 30 tuổi rồi, em chỉ muốn biết tại
sao?
-
Ở Tòa Tháp Va-ti-căng, - cô nhìn thẳng vào mắt tôi, nghiêm khắc buộc tôi phải
cư xử lịch sự hơn - người ta có nuôi 2 loại chim bồ câu, một bên được tự do bay
nhảy kí hiệu ở chân chiếc dây màu xanh còn một bên bị nhốt trong lồng kí hiệu
chiếc dây màu đỏ, bên tự do bay nhảy thì điều kiện rất khắc nghiệt, đồ ăn hạn
chế, các bữa ăn cũng cách xa nhau hơn, hơn nữa gười ta còn dùng vòi xịt và đám
trẻ con còn ném đá chúng. Ngược lại bên nhốt trong lồng thì đồ ăn thừa mứa,
chúng ở trong những chiếc lồng đẹp có mái hiên che, đến bữa người ta lấy thức
ăn đổ vào máng, chúng chỉ việc ăn rồi lăn kềnh ra ngủ. Những con chim ngoài lồng
rất ganh tị với những con trong lồng. Người ta quan sát ghi chép trong vòng 4
tháng, rồi một hôm người ta mở cửa lồng trộn chung hai loại bồ câu lại với
nhau, sau đó họ ùa ra bắt chúng. Và em biết điều gì xảy ra không, những con bồ
câu thắt dây màu xanh bay vút lên trời, đậu trên những cành cây cao nhìn xuống,
còn những con bồ câu thắt dây màu đỏ ngoan ngoãn đứng im để người ta bắt, chúng
quá quen với những chiếc lồng và chuyện sống tiếp ở trong đó chẳng có ý nghĩa
gì với chúng cả, tuy nhiên có một con trong số chúng đập cánh cố gắng bay nhưng
vô ích, nó quên mất cách bay là như thế nào. Cuối cùng, khi cuộc thí nghiệm kết
thúc tất cả những con bồ câu thắt dây màu đỏ đều bị đem đi làm thịt. Em nghĩ em
ở đâu, trong lồng hay ngoài lồng?- cô thấp giọng, buồn buồn - Nhưng em thấy đấy,
thực tế là tôi cũng không thay đổi được gì, đó là sau 40 năm đi dạy tôi mới nhận
ra, thật sự rất khó phá chiếc lồng nếu những con chim không khao khát tự do.
Sau
đó, tôi đứng dậy chào cô ra về, tôi hứa sẽ đến thăm cô lần nữa. Trên đường về
tôi cứ suy nghĩ mãi. Những con chim trong lồng. Tôi là một con chim trong lồng,
nhưng liệu tôi có muốn thoát ra khỏi cái lồng đó, khi mà tôi chẳng biết giới hạn
của cái lồng đó ở đâu? Còn bạn, bạn có phải là một con chim trong lồng không, bạn
có biết giới hạn của cái lồng này không?