Tại sao cây nêu ngày Tết được dựng bằng tre?


Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình người Việt có thói quen dùng thân tre để dựng cây nêu trước nhà với mong muốn mang lại điều tốt đẹp và xua đuổi quỷ dữ. Tuy nhiên, nhiều người có câu hỏi thắc mắc, tại sao lại là tre mà không phải loại cây khác?


Trao đổi với PV, Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết, cây tre làm nêu đặc biệt có ý nghĩa đối với người làm nông nghiệp bởi, tháng Giêng là tháng sinh khí.

“Người Việt xưa coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây tre có đốt là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi.

Cây tre còn tốt là khi chôn xuống đất có ngả nghiêng đến mấy cũng không gãy, mang tính chất của đạo Phật là “tùy duyên hóa độ”. Lòng tre rỗng thể hiện cái tâm không của nhà Phật. Dóng tre dài, thẳng tượng trưng cho những bậc chính nhân quân tử”, giáo sư Biền nói.

Theo giáo sư Biền, trước đây, cây nêu thường được cắm vào ngày 23 tháng Chạp. Ngày ông Công, ông Táo lên cầu trời, không có người quản lý nhà cửa nên quỷ sẽ hoành hành, dữ tợn hơn. Cây nêu có tác dụng xua đuổi quỷ tránh xa vùng đất của con người.

Ngày hạ nêu là ngày mùng 7 tháng Giêng. Trước khi hạ nêu, cần tránh động thổ để cho đất được hội tụ sinh khí, phì nhiêu. Sau khi hạ nêu, con người có thể bước vào lễ hội mới, bước đầu có những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Về cách dựng cây nêu, giáo sư Biền cho biết, cây tre làm nêu là loại tre già, to, thẳng, không được cụt ngọn. Trên ngọn để lại một phần lá tươi hoặc buộc lá dứa vào tượng trưng cho mây trời.

Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió… Bên dưới gốc, rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.

Giáo sư Biền cho biết thêm, ngày xưa, người dân dựng cây nêu với ý nghĩa tâm linh. Đến ngày nay, người dân không còn giữ tục cắm cây nêu nhiều như trước nữa và cắm nêu cũng không đúng với phong tục xưa.

“Bây giờ, các gia đình cắm nêu chỉ để lấy đẹp chứ không hiểu gì về ý nghĩa của cắm nêu. Tuy nhiên, họ cắm lấy đẹp thì cứ cắm còn không ảnh hưởng gì đến ý nghĩa tâm linh, vì đẹp và tâm linh có tính chất khác nhau”, giáo sư Biền chia sẻ.

Theo Triệu Quang (Dân Việt)