Những câu chuyện thật đằng sau cuộc đời ảo trên mạng xã hội

Đằng sau những bức ảnh tự sướng xinh đẹp, cuộc sống hào nhoáng trên Instagram đôi khi là những cuộc đời bê bối, chìm trong nợ nần, nhưng họ vẫn phải tiếp tục, vì mạng xã hội đôi khi mới là "cuộc đời chính" của mình.

Với gia đình và bạn bè, Kiersten Rickenbach Cerveny có tất cả mọi thứ. Nhưng đến một ngày, Thi thể của nữ bác sĩ xinh đẹp này bất ngờ được tìm thấy nằm bất động tại tiền sảnh chung cư nhà mình, đồ lót nhàu nát nhét trong túi xách, cảnh sát xác định cô chết vì sử dụng ma tuý quá liều.

Kiersten Rickenbach Cerveny và người chồng điển trai
Ngay cả những người không biết cô cũng có thể nói rằng "Cô ấy quá hoàn hảo và sung sướng"sau khi xem những gì Kiersten đăng tải trên Facebook. Chỉ cần nhìn những bức ảnh cô đăng tải thôi cũng khiến người ta phải ghen tị.

Kiersten đăng rất nhiều ảnh. Cô dễ thương, thích du lịch. Tất cả những chuyến du lịch của cô đều được ghi lại và đăng lên Facebook. Hôm nay, người ta thấy cô đang chèo thuyền ở Hawaii, ngày mai người ta thấy cô đang tiệc tùng ở New Orleans, ngày mốt người ta thấy cô đăng ảnh đang ăn uống bên lò sưởi. Cô khoe sống cùng chồng và các con trong một biệt thự trị giá 1,64 triệu USD ở Long Island. Cuộc sống của cô hoàn hảo, ít nhất là trên Facebook.

Càng ngày khoảng cách giữa sống thực và sống ảo đang ngày càng lớn. Con người thực của chúng ta ngày càng khác so với người mà chúng khoe trên các mạng xã hội.

Mạng xã hội, mạng lừa dối


Mỗi ngày có 80 triệu bức ảnh được đăng tải lên Instagram. Facebook có 1,49 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng. Twitter có 316 triệu tài khoản hoạt động. Tumblr có 230 triệu tài khoản thường xuyên giao lưu và bình luận.


Ngày nay, hầu hết chúng ta phải sống hai cuộc sống, sống thực và sống ảo. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng này khiến chúng ta dễ bị trầm cảm hơn, cảm thấy cô đơn hơn và ít coi trọng cuộc sống hơn.

Trong năm 2013, các nhà khoa học Đức đã thực hiện một nghiên cứu và phát hiện ra rằng 1/3 người dùng Facebook cảm thấy mặc cảm khi xem những gì bạn bè của họ đăng tải. Thậm chí, rất nhiều người thấy tủi thân khi mà họ nhận được ít lời chúc mừng sinh nhật hơn người khác trên Facebook.

Tương tự vậy, một người vừa chia tay người yêu sẽ cảm thấy đau đớn hơn khi thấy bạn bè của họ thay đổi tình trạng quan hệ từ "Độc thân" sang "Đang trong một mối quan hệ mở" hoặc "đã kết hôn".

Mạng xã hội tạo ra sức ép buộc người dùng đặc biệt là giới trẻ phải khoe một cuộc sống hoàn hảo. Sức ép này càng ngày càng lớn và khiến chúng ta bị choáng ngợp, khó chịu.

Thật và giả


Nhiều phụ nữ không ngừng chạy đua, sẵn sàng làm mọi thứ để mọi người trên mạng xã hội tin rằng cô ta có cuộc sống hoàn hảo. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để khoe khoang trên mạng xã hội nhằm khiến mọi người tin rằng hàng ngày họ ăn những món ngon nhất, mặc những bộ sưu tập thời trang mới nhất và sống một cuộc sống đầy đủ tiện nghi.


"Cuộc sống thực của tôi rất, rất nhàm chán nhưng 5.000 người theo dõi tôi trên mạng xã hội không hề biết", Chelsea Fagan, 26 tuổi, cho biết. "Một nửa căn hộ của tôi, nơi tôi chụp ảnh, trông khá hoàn hảo. Trong khi phía bên kia là một mớ hỗn độn. Thậm chí tôi phải nhét đầy tủ lạnh nước dừa và La Croix để luôn có đồ chụp ảnh. Tôi đang phải sống với khoản nợ 4.300 USD."

Năm ngoái, một video nổi tiếng với 13 triệu lượt xem với tiêu đề "Bạn đang nghĩ gì?" đã lột tả chân thực sự khác biệt giữa sống ảo và sống thật. Video này là một phim ngắn kể về cuộc sống của một thanh niên trẻ với một loạt biến cố như chia tay, mất việc, uống rượu một minh và quan hệ với gái gọi. Nhưng mọi thứ anh ta đăng lên mạng xã hội lại hoàn toàn khác, vui vẻ, tuyệt vời.

Thậm chí, sức ép của mạng xã hội khiến giới trẻ buộc phải sử dụng thêm một tài khoản mạng xã hội thứ hai. Trào lưu "Finstagram" là ví dụ điển hình. Các cô gái trẻ ở Mỹ đang phát sốt với trào lưu này. Họ sử dụng tài khoản Instagram chính để đăng tải những bức ảnh được chỉnh sửa, những bức ảnh hoàn hảo trong khi đó tài khoản Instagram phụ được sử dụng để đăng những bức ảnh thật, không chỉnh sửa.


Cuộc sống ẩn

Có thể bạn bè và gia đình Kiersten, những người vẫn còn đau buồn vì cái chết của cô, không hề biết rằng cô có một cuộc sống khác, nguy hiểm và bê tha hơn những gì cô đăng tải lên Facebook.

Ngày 3/10, sau khi nói với chồng rằng cô có hẹn đi chơi tối với mấy người bạn gái, Kiersten đã tới gặp bạn bè tại khách sạn một khách sạn vào lúc 18h30. Sau đó cô cùng bạn bè đi uống rượu tới tận 2h30 sáng, thậm chí còn sử dụng ma túy liều cao.


3h sáng, Kiersten tách nhóm để đi cùng với Marc Henry Johnson, một nhà sản xuất 51 tuổi của hãng HBO. Hai người quen nhau từ năm 2009, trước khi cô kết hôn lần thứ hai. 4h sáng, họ lên taxi rồi biến mất.

Thi thể của Kiersten được tìm thấy vào lúc 8h30 sáng tại tiền sảnh của tòa nhà. Camera an ninh quay được cảnh Johnson và người lái taxi kéo cô xuống khỏi và bỏ cô lại. Johnson đã bị cảnh sát thẩm vấn nhưng không bị cáo buộc bất cứ tội danh nào.

Tất nhiên, chẳng ai khoe cuộc sống bê tha của mình lên mạng xã hội cả. Mọi thứ phải đẹp và hào nhoáng.

Chúng ta cần tự nhủ rằng ngoài cuộc sống ảo trên mạng xã hội chúng ta còn một cuộc sống thực, còn gia đình, bạn bè thực. Cuộc sống ảo trên mạng xã hội sẽ chấm dứt ngay khi smartphone mất kết nối hoặc hết pin nhưng cuộc sống thật thì không vậy nên đừng để cuộc sống ảo chi phối, ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống thực của bạn.