Ông già đọc truyện tranh


Bố mình thỉnh thoảng trong lúc ngồi chờ máy tính cũ kỹ hay bị đứt mạng được tự động kết nối, cụ luôn vớ lấy cuốn truyện tranh nào đó quanh cụ.

Mình thường chỉ mua mỗi “Tí quậy” 6 tập cho Nhím đọc, hồi xưa có mua Đô-rê-mon và Thần đồng Đất Việt nữa. À, và có mua mười mấy cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam của Nhã Nam cho nó đọc. 

Còn tất thảy mọi thứ truyện tranh khác xuất hiện ở nhà đều là những cuốn lén lút được con gái thâu nạp. Người này người kia mua tặng. Người này người kia gửi đến tận nhà tặng. Người nào đó mang cho Nhím mượn rồi quên hay chả buồn đòi. Hoặc nhà sách lấy lòng, chỉ cần chị Trang Hạ cứ đứng trước cuốn nào gật đầu một cái, họ bèn gói cả bộ đó cho Nhím, mình không gật thì họ cũng không cho… lắc!

Cái cảnh một ông cụ già lụ khụ còng lưng ngồi đọc truyện của lũ nhóc, đã thấy buồn cười. Nhưng, ông già đọc truyện tranh xong, thường gọi mình lại dạy dỗ giáo dục, thật là đau đầu.

Ông cụ ra lệnh mình phải thu hồi tất thảy mọi cuốn “Ô long viện” của NXB Kim Đồng trong nhà lại. Cụ bảo, đọc truyện này mất nước là phải, dâng biên giới cho Tàu là phải, nô lệ và nhục nhã hèn kém là phải.

Mở ra trang đầu đã là con bé bị con lớn ăn, một hành trình tự nhiên, của thiên nhiên, nhưng tư tưởng lồng vào đó là cá lớn nuốt cá bé, ta đã bé ta buộc phải tự bó tay chân cho vừa một miếng của kẻ khác sao, thế thì mới là thuận lẽ đời sao? Rồi sao đóa sen lại mọc lên giữa hốc mắt của một cái xương sọ? 

Ai không biết đóa sen là tượng trưng lòng kiêu hãnh gì, và cái xương sọ là tượng trưng cho chết chóc, đen tối, cái ác? Rồi các con đọc ngày này qua ngày khác, các con tự trong tiềm ý thức đã tin rằng, lẽ đời là lớn nuốt bé, cái ác cái mạnh sẽ chiến thắng?

Ai đời, dạy trẻ con những thứ bẩn thỉu như thế, tại sao không dạy trẻ làm một người đàng hoàng, tự trọng và dũng cảm?

Mình có giải thích rằng, đây là truyện Đài Loan tầm phào mà, vô hại mà, họ bán chạy lắm. Nhưng ông cụ không tin, cứ buồn bã suốt có lẽ phải nửa năm rồi. Ôi trời ơi, sao Kim Đồng ra được cái bộ sách tài tình đến thế, người này đọc thì cười mà người kia đọc thì đau?

Rồi đến một hôm cụ vớ được cuốn truyện dân gian của Nhã Nam, cụ bèn trịnh trọng gọi mình lại và nói:

- Con này, bố thấy cái bọn này nó sao mà làm sách hay đến thế. Đây, nó viết thế này, nó kể truyện thế kia…

Mình liếc cuốn truyện tranh ông cụ đang cầm trên tay. Cuốn “Bốn anh tài sang Tàu đòi nợ”.

Bìa sách cuối cùng in hơi tối màu, thấy có dòng chữ:

“Nhìn bốn anh tài đi đòi nợ về kìa!

Họ đang gánh của đi về Nam!”

Gánh của đi về Nam! Hả hê vui sướng làm sao một ông già đọc được mấy dòng này. Đòi được về Nam cái món nợ mà người Việt nào cũng ít nhiều tin rằng, Tàu nợ ta đời này truyền kiếp khác, thôi trước tiên đòi được cái nợ tinh thần, trong cuốn truyện tranh! Thế cũng đã tốt lắm rồi.

Tội nghiệp, thế hệ của ông cụ chả còn mấy người còn sống.

~Trang Hạ~